Quảng cáo #23

Bài toán thu hẹp khoảng cách giới trong ngành STEM

Nữ sinh vẫn là thiểu số trong các ngành STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), không phải vì thiếu năng lực, mà vì thiếu cơ hội và động lực.

Nữ sinh kỹ thuật thiểu số trong lớp học, thiểu số trên thị trường lao động

Tại Việt Nam, dù ngày càng có nhiều nữ sinh quan tâm đến các lĩnh vực như Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (gọi tắt là STEM), khoảng cách giới trong lựa chọn ngành nghề và phát triển sự nghiệp vẫn còn hiện hữu rõ rệt.

Các con số biết nói cho thấy, việc phụ nữ ít xuất hiện trong ngành STEM không phải do họ kém hơn về khả năng, mà chủ yếu vì định kiến xã hội và thiếu đi những điều kiện thúc đẩy phù hợp.

Bài toán thu hẹp khoảng cách giới trong ngành STEM- Ảnh 1.

Dù ngày càng có nhiều nữ sinh quan tâm đến các lĩnh vực như Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (gọi tắt là STEM), khoảng cách giới trong lựa chọn ngành nghề và phát triển sự nghiệp vẫn còn hiện hữu rõ rệt.

Theo khảo sát của UNDP (2021), hơn 60% phụ huynh Việt Nam muốn con gái theo ngành giáo dục hoặc hành chính, thay vì kỹ thuật hay khoa học.

Khảo sát của MSD (2023) với gần 7.000 học sinh cho thấy hơn 70% đồng tình rằng "con trai hợp làm kỹ sư, con gái hợp làm giáo viên", và 100% giáo viên cũng có định kiến tương tự.

Quan điểm này ảnh hưởng rõ đến lựa chọn nghề nghiệp của nữ sinh: tại Đại học CNTT Tp.HCM (2019), cứ 9 nam mới có 1 nữ; còn ở ĐH Bách khoa TP.HCM, nữ chỉ chiếm khoảng 22%.

Trong khi các ngành học thuộc nhóm STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Mathematics - Toán học) đang ngày càng đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế số, nữ sinh vẫn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn trong các lĩnh vực này.

Lê Ngọc Trân, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật điều khiển tự động chia sẻ: "Lúc mới nhập học, không ít người hỏi em học ngành này để làm gì, có định đổi sang ngành kinh tế hay không. Áp lực lớn nhất là phải luôn ‘vượt chuẩn’ thì người ta mới nhìn nhận rằng con gái cũng làm được kỹ thuật".

Dù vậy, Trân vẫn giữ vững mục tiêu trở thành kỹ sư, bởi với cô, STEM là lĩnh vực không phân biệt giới tính, mà đòi hỏi sự kiên nhẫn, tư duy logic và niềm đam mê thực sự.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng học các môn STEM không phụ thuộc vào giới tính. Tuy nhiên, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, cùng với hình mẫu phụ nữ thành công trong ngành, vẫn còn khá mờ nhạt trong môi trường học đường và truyền thông.

Để nữ sinh không bị "bỏ lại phía sau" trong lĩnh vực STEM

Trao đổi về vấn đề này, tại chương trình "Nữ sinh và STEM" diễn ra tại Tp.HCM, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho hay: "Tôi tin rằng, khi có cơ hội tiếp cận giáo dục STEM một cách công bằng, mỗi nữ sinh đều có thể trở thành nhà sáng tạo, kỹ sư hay nhà khoa học của tương lai".

Để đặt được mục tiêu đó, bà Vân Anh chia sẻ về sáng kiến STEMherVN. "STEMherVN là sáng kiến MSD tập trung hướng tới mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ nữ giới vượt qua rào cản định kiến để tự tin theo đuổi các ngành STEM thông qua truyền thông, tập huấn, cố vấn và hướng nghiệp", bà Vân Anh nói.

Bài toán thu hẹp khoảng cách giới trong ngành STEM- Ảnh 2.

Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ về vấn đề nữ sinh với ngành STEM tại hội nghị "Nữ sinh và STEM" năm 2025.

"Chúng tôi tin rằng nơi mà tri thức, sự tự tin và tinh thần tiên phong được thắp lên trong từng ánh mắt, nụ cười và ước mơ của các em cùng với sự cam kết đồng hành từ các bên liên quan trong hành trình thực hiện hóa mục tiêu đẩy vai trò và sự tham gia của nữ sinh trong lĩnh vực STEM, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước", bà Vân Anh nhấn mạnh.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là phải giỏi toán mới theo được STEM. Trên thực tế, STEM là tổ hợp các lĩnh vực đòi hỏi tư duy giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, tinh thần làm việc nhóm và kỹ năng thực hành là những yếu tố mà bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện.

Trong đó, công nghệ và kỹ thuật hiện đại đang mở ra nhiều hướng đi mới cho nữ giới như phân tích dữ liệu, lập trình ứng dụng, thiết kế sản phẩm thông minh, kỹ thuật môi trường...

Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi sáng tạo, hay những mô hình hướng nghiệp chuyên biệt dành cho nữ sinh yêu thích STEM được đánh giá là giải pháp thiết thực để khơi dậy hứng thú, cũng như giảm thiểu khoảng cách giới trong lựa chọn nghề nghiệp.

Ngày 10/5, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Tp.HCM), Tọa đàm "Nữ sinh và STEM" do Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên Tp.HCM và Viện MSD Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 200 nữ sinh từ bậc phổ thông đến đại học.

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án STEMherVN, với các hoạt động nổi bật như: triển lãm sản phẩm STEM do nữ sinh thực hiện, trao học bổng cho 11 bạn trẻ vượt khó, vinh danh đại sứ STEM tiêu biểu và buổi tọa đàm giao lưu với các kỹ sư, doanh nhân nữ thành công trong ngành.

Để nhiều nữ sinh tự tin chọn STEM, không chỉ cần nỗ lực cá nhân, mà còn cần sự hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc phá bỏ định kiến giới, tạo lập môi trường học tập công bằng và truyền cảm hứng kịp thời.

Nguyễn Hậu