Quảng cáo #23

Việt Nam lại vừa có thêm một sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử này được vận hành bởi một "ông lớn" trong lĩnh vực phân bón, hóa chất.
Việt Nam lại vừa có thêm một sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Các sản phẩm được bày bán trên sàn thương mại điện tử VinachemMart.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa ra mắt sàn thương mại điện tử VinachemMart và bộ sản phẩm hàng tiêu dùng Vinachem.

VinachemMart là sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho các khách hàng có nhu cầu về sản phẩm hóa chất công nghiệp, phân bón nông nghiệp, và các sản phẩm hóa chất tiêu dùng.

Bộ sản phẩm hàng tiêu dùng Vinachem gồm các nhóm sản phẩm chủ lực:

Nhóm hóa phẩm sinh hoạt: Nước giặt, nước lau sàn, nước rửa tay, nước rửa chén, chất tẩy rửa….

Nhóm pin – ắc quy.

Nhóm săm lốp dành cho xe đạp, xe máy, ô tô.

Nhóm phân bón: phân NPK các loại, phân bón hữu cơ và vi sinh

Nhóm hóa chất công nghiệp.

Các sản phẩm được phân phối trên sàn VinachemMart thuộc 8 thương hiệu quốc dân đến từ các đơn vị thành viên của Vinachem gồm: Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC); Công ty Cổ phần Cao su Miền Nam (CASUMINA); Công ty Cổ phần Cao su Sao vàng (SRC); Công ty Cổ phần Pin - Ắc quy Miền Nam (PINACO); Công ty Cổ phần Bột giặt LIX (LIX); Công ty Cổ phần Xà Phòng Hà Nội (HASO); Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (CFC); Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam (VIIC).

Chia sẻ tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Hữu Tú, Tổng Giám đốc Vinachem cho biết với định hướng kết nối trực tiếp nhà sản xuất và người tiêu dùng, VinachemMart được kỳ vọng sẽ giảm thiểu khâu trung gian, mang lại mức giá hợp lý và trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng. Ứng dụng VinachemMart hiện đã có mặt trên App Store của hệ điều hành iOS và Google Play và trên website vinachemmart.co.

Theo Bộ Công Thương, ngành Hóa chất hiện chiếm khoảng 10%-11% giá trị GDP ngành công nghiệp cả nước, sử dụng gần 10% lao động trong ngành công nghiệp.

Vinachem được xem là "ông lớn" trong ngành công nghiệ hóa chất tại Việt Nam, sở hữu 34 đơn vị sản xuất kinh doanh khắp cả nước. Sản phẩm của Vinachem đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, đạt doanh thu trên 50.000 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

VinachemMart ra đời trong bối cảnh quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo sẽ đạt 63 tỷ USD vào năm 2030, cao gần gấp 3 lần so với năm 2024, theo Google, Temasek, Bain & Company.

Tuy nhiên, thị trường hiện đang thống trị bởi nhiều "ông lớn" như Shopee chiếm 62% thị phần, Tiktok Shop chiếm 35% thị phần, Lazada hiện chỉ còn chiếm 3% thị phần và thị phần Tiki rất nhỏ để ghi nhận thị phần trong báo cáo của Metric quý 1/2025.

Trước VinachemMart, Việt Nam đã có một số sàn thương mại điện tử chuyên biệt, tức là các nền tảng tập trung vào một ngành hàng hoặc lĩnh vực cụ thể (không phải sàn tổng hợp như Shopee, Lazada...).

Điển hình như Foodmap, Postmart, Voso (nông sản, đặc sản vùng miền), Selly (bán hàng qua cộng tác viên social commerce – thực phẩm, đồ dùng, mỹ phẩm...), Ecomedic, Medigo, Jio Health, eDoctor (chuyên biệt về thiết bị y tế, dược phẩm, y tế)…