Quảng cáo #23

Sửa xe tại đại lý chính hãng, chủ xe 'tá hỏa' khi phát hiện odo 'được' tua về 0

Chủ xe Tesla Cybertruck đưa xe đi sửa khi đồng hồ đã chỉ gần 42.000 km và nhận về xe với đồng hồ ghi nhận con số 0 tròn trĩnh.

Một chủ xe Tesla Cybertruck trong tháng 5 này đã đăng đàn chia sẻ một trải nghiệm “thú vị” khi mang bán tải điện của mình tới xưởng dịch vụ chính hãng.

“Tôi mang chiếc Cyberbeast của mình đi spa và xe trở về như một em bé”, người này phàn nàn trên diễn đàn của các chủ xe Cybertruck.

Mọi chuyện khởi đầu khi chủ xe này mang phương tiện tới xưởng để lắp thêm đèn và chỉnh lại các tấm thân xe bị lệch - lỗi khá phổ biến trên Cybertruck vì thiết kế lạ của dòng xe này. Ngoài ra, anh cũng muốn nhở kỹ thuật viên kiểm tra đèn báo phanh ABS vì đôi lúc đèn này bật tắt liên tục.

Sửa xe tại đại lý chính hãng, chủ xe 'tá hỏa' khi phát hiện odo 'được' tua về 0- Ảnh 1.

Chủ xe chia sẻ việc Cybertruck sau khi vào xưởng được trả lại với đồng hồ bị tua về 0. Ảnh: AutoEvolution

Chủ xe trên bắt đầu cảm thấy có điều không ổn khi xưởng hẹn anh tới lấy xe muộn hơn một ngày so với dự kiến. Ngay khi tới xưởng nhận bàn giao xe, anh lập tức nhận thấy điều không ổn khi điện thoại không còn kết nối được với hệ thống thông tin giải trí. Khi ngồi vào ghế lái, anh cũng nhận ra một phần ốp táp lô đang treo lủng lẳng bên dưới hốc đựng găng tay, buộc anh phải tự lắp lại vào vị trí gốc.

Thêm vào đó, thanh đèn mới được lắp vẫn còn nhiều khe hở không đối xứng 2 bên, ốc thùng sau lỏng và một tấm thân được gắn sai cách là một số điểm sai khác mà chủ xe phát hiện.

Sửa xe tại đại lý chính hãng, chủ xe 'tá hỏa' khi phát hiện odo 'được' tua về 0- Ảnh 2.

Chủ xe chia sẻ ảnh lái xe về nhà với công-tơ-mét chỉ 15 dặm và chia sẻ cả số VIN để tăng tính xác thực. Ảnh: CheddaTruck

Tuy nhiên, yếu tố khiến chủ xe sốc nhất là đồng hồ đo quãng đường đi được (công-tơ-mét) giờ hiển thị con số 0. Trước khi mang xe tới xưởng, công-tơ-mét chỉ 26.000 dặm (gần 42.000 km). Việc “tua máy” có thể đã được các kỹ thuật viên Tesla vô tình thực hiện khi chỉnh sửa phần mềm của chiếc xe bán tải điện. “Đồng hồ có thể không bị tua lại mà giống bị đặt lại hoàn toàn như mới”, người này nhận định.

Dù khả năng cao chỉ là vô tình, đây vẫn là một lỗi vô cùng nghiêm trọng. Theo Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), việc đặt lại hay thay đổi công-tơ-mét với mục đích thay đổi quãng đường hiển thị là hành vi lừa đảo. Tại Mỹ, mỗi năm có hơn 450.000 xe bị bán ra với số công-tơ-mét giả.

Sửa xe tại đại lý chính hãng, chủ xe 'tá hỏa' khi phát hiện odo 'được' tua về 0- Ảnh 3.

Chủ xe chụp lại thùng hàng phía sau bị lỏng khiến họ tháo ra dễ dàng. Ảnh: CheddaTruck

Việc công-tơ-mét bị tua lại, ngay cả khi do hãng thực hiện, cũng không hề có lợi cho chủ xe. Lịch sử xe ghi nhận chắc chắn sẽ có vấn đề này, qua đó đặt xe vào diện “không rõ quãng đường di chuyển thực tế” (True Mileage Unknown) và làm giảm đáng kể giá trị xe. Xét tới việc bản Cyberbeast của Tesla Cybertruck có giá không hề rẻ (khởi điểm đã 100.000 USD), mất mát của chủ xe là không hề nhỏ.

Sửa xe tại đại lý chính hãng, chủ xe 'tá hỏa' khi phát hiện odo 'được' tua về 0- Ảnh 4.

Tesla Cybertruck gặp hỏng hóc khá nhiều (phần vì thiết kế lạ, phần vì chất lượng xe Tesla không đồng đều) và đã trải qua rất nhiều lần triệu hồi. Ảnh: Lamar MK

Chủ xe trên không tiết lộ vị trí của xưởng dịch vụ mình mang xe tới, tuy nhiên những hình ảnh mà họ chia sẻ cho thấy tính xác thực cao của thông tin.