Quảng cáo #23

EU chốt dừng hoàn toàn nhập khẩu dầu, khí đốt Nga vào năm 2027 - 2 quốc gia thành viên gay gắt: 'đây là tự sát kinh tế'

2 quốc gia này cũng đã phản đối nhiều kế hoạch trước đây của EU trong việc dừng nhập khẩu năng lượng từ Nga.

2 quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga ở Đông Âu cho biết kế hoạch của Brussels nhằm chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt và năng lượng của Nga trong những năm tới chẳng khác nào "tự sát về mặt kinh tế" và là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng và nền kinh tế của khu vực.

Hôm 6/5, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch loại bỏ dần hoạt động nhập khẩu khí đốt, năng lượng hạt nhân và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào cuối năm 2027, đồng thời cho biết động thái này sẽ "mở đường để đảm bảo EU hoàn toàn độc lập về năng lượng khỏi Nga".

Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), gần 19% lượng khí đốt và LNG nhập khẩu của EU vẫn đến từ Nga, mặc dù con số này đã giảm mạnh so với mức 41% năm 2021.

Đề xuất mới của EU gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia Đông Âu, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga.

Sovakia và Hungary, những quốc gia duy trì quan hệ "nồng ấm" với Nga, bất chấp xung đột Ukraine, đã mô tả kế hoạch mới nhất của EU là một "sai lầm nghiêm trọng", có thể gây tổn hại cho khu vực.

EU chốt dừng hoàn toàn nhập khẩu dầu, khí đốt Nga vào năm 2027 - 2 quốc gia thành viên gay gắt: 'đây là tự sát kinh tế'- Ảnh 1.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp vào tháng 12/2024. Ảnh: Getty Images.

"Chúng tôi nhận ra mục tiêu chiến lược là giảm sự phục thuộc năng lượng vào các nước thứ 3 và Slovakia sẵn sàng hợp tác với EU về vấn đề này nhưng sẽ đơn giản là tự sát nếu đồng ý không nhập khẩu khí đốt, hạt nhân hay dầu mỏ từ Nga", Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết hôm 7/5.

Bộ trưởng ngoại giao Hungary Peter Szijjarto thì cho rằng đề xuất của EU "có động cơ chính trị" và là một "sai lầm nghiêm trọng".

"Nó đe dọa an ninh năng lượng, đẩy giá lên cao và vi phạm chủ quyền. Họ muốn chúng ta phải chịu chi phí cho sự ủng hộ liều lĩnh của họ đối với Ukraine. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này", ông cho biết trên X.

Cả Hungary và Slovakia đều phản đối các đề xuất trước đây của EU nhằm cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga. Thay vào đó, họ chọn cách duy trì nguồn cung trong bối cảnh lo ngại chi phí năng lượng trong nước tăng cao.

Khi công bố kế hoạch mới nhất nhằm tách mình khỏi Nga, EU cho biết lộ trình trước tiên sẽ là đưa ra lệnh cấm với mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga, gồm cả qua đường ống và LNG theo các hợp đồng mới và hợp đồng giao ngay hiện có. Sau đó, EU sẽ loại bỏ dần mọi hoạt động nhập khẩu còn lại vào cuối năm 2027.

Đề xuất của EC sẽ được trình bày vào tháng 6, cần sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và đa số quốc gia thành viên đủ điều kiện. Điều này có nghĩa, kế hoạch không thể bị phủ quyết chỉ bởi một số ít quốc gia. "Chúng tôi có thể thông qua mà không cần nhất trí", Ủy viên Năng lượng châu Âu Dan Jorgensen cho biết trong một cuộc họp báo.