Quảng cáo #23

Chính thức nhận lệnh từ Thủ tướng: Viettel, EVN, VNPT... đang chuẩn bị gì cho các 'siêu dự án' đường sắt hàng triệu tỷ đồng?

Với quy mô lên tới hàng triệu tỷ đồng, các dự án đường sắt sắp tới sẽ "đặt hàng" nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thông báo nhấn mạnh cần bảo đảm kế hoạch khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025 và khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào cuối năm 2026.

Các tuyến đường sắt đô thị như tuyến số 3 (Hà Nội - Yên Sở) và tuyến số 2 (TP. Hồ Chí Minh - Tham Lương) hoàn thiện hồ sơ sử dụng vốn, trình Chính phủ trong ngày 5/5.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp chủ trì, phối hợp với các bộ, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và cơ quan liên quan để lựa chọn phương án triển khai phù hợp trong việc giao doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ về thông tin tín hiệu ngành đường sắt phục vụ các dự án đường sắt; hoàn thành trong tháng 6/2025.

Bộ Tài chính tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hoàn thành trong tháng 6/2025.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, hướng dẫn Chủ đầu tư về cung cấp điện nguồn, hệ thống điện của các dự án đường sắt điện khí hoá; đồng thời tiếp tục rà soát nhu cầu điện đảm bảo cung cấp cho các dự án đường sắt; hoàn thành trong tháng 6/2025.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.541 km, vốn đầu tư 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng). Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài 418 km, vốn đầu tư 8,37 tỷ USD (hơn 203 tỷ đồng).

7 tuyến metro TP.HCM tổng chiều dài 355 km, tổng vốn đầu tư 42 tỷ USD (hơn 1.091 tỷ đồng). 10 đoạn tuyến, tuyến metro ở Hà Nội tổng chiều dài 398 km, tổng vốn đầu tư 37,1 tỷ USD (gần 964 tỷ đồng).

Trước nhiệm vụ được Thủ tướng giao, các tập đoàn Viettel, VNPT, EVN, Tổng Công ty đường sắt… cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào các dự án đường sắt.

Viettel với tham vọng phủ sóng toàn bộ hệ thống đường sắt

Chính thức nhận lệnh từ Thủ tướng: Viettel, EVN, VNPT... đang chuẩn bị gì cho các 'siêu dự án' đường sắt hàng triệu tỷ đồng?- Ảnh 1.

Ngay từ năm 2018, khi dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đang được đẩy mạnh thi công, trong đó tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Viettel đã có văn bản gửi Bộ này đề nghị tạo điều kiện cho đơn vị xây dựng hệ thống viễn thông phủ sóng tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Đến năm 2024, nhà mạng này đã phủ sóng băng rộng di động 100% các tuyến đường sắt và đường quốc lộ, tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường sắt đô thị. Bảo đảm không để mất sóng quá 1km liên tục.

Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc gia số GSMA mới đây, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Đạt cho biết, dù thách thức chi phí đầu tư lớn nhưng Viettel vẫn đặt mục tiêu phủ sóng 5G vào năm 2026 như tốc độ phủ sóng 4G.

Nhà mạng này cũng đang phát triển công nghệ Open RAN để tự chủ về hạ tầng viễn thông, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Viettel nằm trong số ít các nhà mạng trên thế giới có khả năng triển khai toàn diện một hệ sinh thái 5G tự chủ. Điều này có thể cho phép Viettel tiến tới công nghệ 5G Advanced và 6G trong 5 năm tiếp theo…

VNPT cam kết dùng các công nghệ tiên tiến nhất

Vinaphone hiện đã phủ sóng 5G tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2025, VNPT đặt mục tiêu tăng vùng phủ sóng 5G lên gấp 3 lần, tiến tới phủ sóng 99% dân số.

Nhà mạng cho biết sẽ cung cấp dịch vụ internet trên các tàu bay của Vietnam Airlines; triển khai hạ tầng số, phủ sóng mạng di động, hệ thống wifi free cho các sân bay khác của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với trọng điểm là sân bay quốc tế Long Thành.

VNPT-Media đã cung cấp thanh toán không dùng tiền mặt cho tuyến đường sắt đô thị Metro số 1. Bước đi này nằm trong lộ trình phát triển hệ sinh thái Smart City - đô thị thông minh tại Việt Nam.

VNPT hiện đã phát triển dự án Đô thị thông minh tại hơn 40 tỉnh thành phố trên cả nước. Tập đoàn này cam kết sẽ đưa các công nghệ tiên tiến nhất như IoT (Internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn)... ứng dụng trong các lĩnh vực như chính quyền số, an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông…

EVN nỗ lực đảm bảo cung cấp điện cho đường sắt

Chính thức nhận lệnh từ Thủ tướng: Viettel, EVN, VNPT... đang chuẩn bị gì cho các 'siêu dự án' đường sắt hàng triệu tỷ đồng?- Ảnh 2.

EVN đang cung cấp điện ổn định cho hai tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội theo hệ thống tiếp năng lượng thông qua đường ray thứ 3 nằm phía dưới. Đây là hình thức phổ biến trên thế giới, có ưu điểm là kết cấu gọn, đơn giản, chi phí xây lắp, bảo dưỡng ít hơn trên cao. Hạn chế là không áp dụng được điện áp cao, phải dùng nhiều trạm cấp điện hơn so với phương án đi trên cao.

Do đó, tại Metro Bến Thành - Suối Tiên, EVN đã áp dụng hệ thống lấy điện trên cao, khắc phục những nhược điểm của hình thức lấy điện qua đường ray. Hệ thống cấp điện cho metro cũng được bố trí bằng đường dây riêng biệt, đảm bảo tính ổn định và liên tục.

EVN hiện đang bám sát Quy hoạch điện VIII để xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp điện cho các dự án đường sắt. Đồng thời đang khẩn trương di dời các công trình kỹ thuật giao chéo với các tuyến đường sắt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam "lột xác"

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tái cơ cấu theo định hướng mô hình tập đoàn để có thể tham gia vào các dự án đường sắt tốc độ cao ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành.

VNR đã hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn trước thời hạn phương án tái cơ cấu. Đồng thời sáp nhập 3 ban quản lý dự án, thu gọn từ 5 thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy theo Nghị quyết 18.

VNR cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần và thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là hiện có vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), theo đề nghị của đơn vị này.